Nếu như ở Tây Nguyên và Nam bộ tự hào có hạt tiêu là gia vị tuyệt hảo thì ở Tây Bắc các món ăn đặc trưng của người miền núi không thể thiếu hạt mắc khén hay còn gọi là hạt mắc khán. Cùng chúng tôi tìm hiểu về loại gia vị Tây Bắc tuyệt hảo này mà ai đã từng thưởng thức chẳng thể quên được.
MẮC KHÉN LÀ GÌ VÀ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG!
1. MẮC KHÉN LÀ GÌ:
À, nó là thứ gia vị rất đặc biệt của Tây Bắc, có mùi thơm độc đáo bất ngờ! Nhiều người cứ gọi là “Hạt Tiêu rừng”, nhưng không phải, Mắc Khén là Mắc Khén, Hạt Tiêu là Hạt Tiêu! 2 thứ gia vị này khác nhau hoàn toàn về mùi vị, không thể đánh đồng như vậy được. Theo đúng tiếng Thái (trắng) thì ta phải phát âm là MÁ KHÉN (chữ MÁ phát âm nhẹ dấu sắc thôi, là đúng tiếng Thái rồi đấy). Nhưng thôi, tôi cứ theo cách mọi người dùng tiếng Phổ thông, gọi là MẮC KHÉN cho dễ hiểu. Mắc Khén là cây thân gỗ, cao, to. Hoa ra thành từng chùm (giống như Hoa Xoan vậy), hàng năm đến tháng 11 Dương Lịch là hoa đậu thành Quả, chín, đây chính là thời điểm thu hoạch, bà con trèo, bẻ từng chùm rồi để chỗ râm mát, hoặc treo lên gác bếp dùng cả năm. Đúng ra thì không gọi là HẠT Mắc Khén, mà phải gọi là Quả Mắc Khén, vì sử dụng nó phải nó bao gồm quả (như quả cây rau Mùi) và thứ hạt đen đen (như hạt vừng) bên trong! Đó mới là Mắc Khén!
Hạt Mắc Khén được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc bởi hầu hết các món ăn của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc đều sử dụng Mắc Khén làm gia vị! Mắc Khén có mùi thơm nồng nàn, thơm gấp nhiều lần hạt Tiêu, và đặc biệt nhất là cảm giác “tê lưỡi” khi ăn & nếm thử Mắc Khén, hệt như khi chúng ta bị dòng điện 3 hoặc 5 vôn chạm vào lưỡi vậy.
2. SỬ DỤNG MẮC KHÉN NHƯ THẾ NÀO?
Gia vị, hiển nhiên rồi, Mắc Khén là gia vị (như Hạt Dổi vậy)! Các món nướng (như cá nướng, thịt nướng…) của Tây Bắc mà không có Mắc Khén thì đâu còn là đặc sản Tây Bắc, có thêm thứ hạt này, cá nướng ngon hơn gấp vạn lần.
CHÚ Ý: Không nên cho quá nhiều Mắc Khén, món ăn của ta sẽ bị đắng. Hãy cho 1 lượng vừa phải. Rồi khi ăn, nếu chưa thấy ưng ý, ta hãy pha thêm Mắc Khén với nước chấm hoặc trộn với Bột Canh để chấm thêm.
– MÓN NƯỚNG: Mắc khén rất hợp với các món nướng! Tẩm 1 chút mắc khén vào Cá hoặc Thịt rồi nướng thì có vị đặc trưng, ăn 1 lần khó quên lắm. Tôi đi rừng, đi sông suối bắt cá cùng anh em dân bản. Luôn luôn mang theo 1 gói nhỏ bột Mắc Khén để sử dụng.
–MÓN RÁN: Ta có thể dùng Mắc Khén để tẩm ướp thực phẩm như cá, thịt trước khi đem rán. Mùi Mắc Khén cay cay, thơm thơm, đảm bảo không có loại gia vị nào đặc biệt đến thế.
– PHA NƯỚC CHẤM: Chỉ cần cho 1 chút bột Mắc Khén đã rang xay vào bát nước Nắm, chấm gì cũng thấy ngon. Đặc biệt là chấm Cá/Thịt nướng hoặc Rán.
Còn cầu kì hơn nữa ư? Phải kể đến món chấm có tên gọi “Chẳm Chéo” đây chính là món chấm tinh túy nhất của ẩm thực Tây Bắc, và tất nhiên không thể thiếu hạt Mắc Khén.
– TẨM ƯỚP LÀM THỊT KHÔ: Rất nhiều người khi ăn món Thịt Trâu hay Bò khô của Tây Bắc cứ thắc mắc không hiểu có vị gì mà đặc biệt đến thế. Thưa các bác là phải có Mắc Khén, chính Mắc Khén đã mang lại mùi vị đặc trưng vô cùng của các món ăn Tây Bắc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.